Thông tin trên được ông Bùi Thanh Tân - Giám đốc Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng hạ tầng đô thị (gọi tắt là Ban Hạ tầng) TPHCM cho biết ngày 20/6, khi cùng nhà thầu Pháp kiểm tra thực tế công trường nhà máy xử lý nước thải Nhiêu Lộc - Thị Nghè tại phường Thạnh Mỹ Lợi, TP Thủ Đức.
Toàn cảnh nhà máy xử lý nước thải Nhiêu Lộc - Thị Nghè trên khu đất rộng hơn 38ha tại TP Thủ Đức, TPHCM. Ảnh: T.KTheo ông Tân, gói thầu thiết kế, xây dựng, vận hành nhà máy xử lý nước thải Nhiêu Lộc - Thị Nghè (có tên gọi XL-02) là hạng mục lớn và quan trọng nhất của toàn bộ dự án Vệ sinh môi trường TPHCM giai đoạn 2.
Gói thầu này trước đó có trị giá 307 triệu USD, sau quá trình đấu thầu cạnh tranh quốc tế đã giảm 72 triệu USD nên giá trị xuống còn khoảng 235,1 triệu USD (tương đương gần 6.000 tỷ đồng).
Thông tin về tiến độ, ông Tân cho biết, gói thầu đã thi công đạt 41% khối lượng công việc. Các hạng mục quan trọng đều đang được triển khai, các thiết bị cơ điện chính đã được đặt hàng và dự kiến sẽ bắt đầu về công trường từ tháng 8 năm nay.
Ban Hạ tầng TPHCM đặt mục tiêu gồm hoàn thành các công trình chống ngập trước ngày 30/11/2024; Hoàn thành công tác thiết kế bản vẽ thi công trước ngày 2/3/2025; Toàn bộ thiết bị cơ điện sẽ được đưa về công trường trước ngày 29/4/2025 và hoàn thành công tác xây dựng trước ngày 30/6/2025.
“Chúng tôi đã yêu cầu liên danh nhà thầu huy động đội ngũ chuyên gia giỏi nhất đến Việt Nam để ưu tiên cho dự án quan trọng này cũng như lựa chọn các nhà thầu phụ tại Việt Nam có năng lực để tham gia thi công, mục tiêu là hoàn thành các mốc tiến độ chính theo kế hoạch với chất lượng đáp ứng các yêu cầu của hợp đồng”, Giám đốc Ban Hạ tầng TPHCM chia sẻ.
Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng hạ tầng đô thị TPHCM cùng nhà thầu Pháp kiểm tra thực tế công trường nhà máy xử lý nước thải Nhiêu Lộc - Thị Nghè. Ảnh: T.K.Nhà máy Nhiêu Lộc - Thị Nghè sau khi hoàn thành sẽ có công suất xử lý nước thải đạt 480.000m3/ ngày đêm. Đây là nhà máy xử lý nước thải lớn nhất khu vực Đông Nam Á. Nước thải sau khi được xử lý đảm bảo yêu cầu vệ sinh môi trường sẽ được xả ra sông Sài Gòn.
Hiện nay, tổng công suất xử lý nước thải sinh hoạt đô thị của TPHCM là 644.000m3/ngày, mới đạt khoảng 40% lượng nước thải hàng ngày, với việc hoàn thành nhà máy xử lý nước thải Nhiêu Lộc - Thị Nghè, TPHCM sẽ nâng công suất xử lý nước thải sinh hoạt đô thị lên hơn 1,1 triệu m3/ngày đêm. Vì vậy, dự án này có ý nghĩa vô cùng quan trọng đối với người dân TPHCM.
Nhà thầu huy động 500 công nhân cùng phương tiện máy móc ngày đêm tập trung thi công hoàn thành nhà máy xử lý nước thải lớn nhất TPHCM. Ảnh: T.K